VĂN HÓA-XÃ HỘI
Bài tuyên truyền kỷ niệm 74 năm ngày Thương Binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021).
23/07/2021 08:43:08

Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”

Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác…, sau đó ít lâu được đổi thành Hội Giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng hội.

Chiều ngày 28-5-1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tống hội tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.

Để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức chiều 17-11-1946 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buối lễ và tặng chiếc áo mà Người đang mặc (chiếc áo sau này bán đấu giá được 3.500 đồng).

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19-12-1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn.

Trước yêu cầu bức xúc đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ’. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Để làm cơ quan chủ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26-2-1947, Phòng Thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập vào đầu tháng 7-1947, Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc.

Cũng trong thời gian này, tại một địa điểm xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục, Quân đội nhân dân Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27-7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.

Từ đấy, hàng năm đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7-1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ đế ghi nhận những hi sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ:“Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, yêu thương và giúp đỡ họ”, hơn 7 thập kỷ qua, nhất là trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Tính đến thời điểm hiện nay số lượng người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng tại phường Phú thứ có 83 người . Cụ thể là:

25 thương binh
16 Bệnh binh
04 quân nhân 142
01 quân nhân 62
09 người bị ảnh hưởng chất độc da cam trực tiếp.
04 người bị ảnh hưởng da cam gián tiếp
06 thân nhân liệt sỹ
05 vợ liệt sỹ tái giá

01 Tuất Hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến 18/08/1945

01 Tuất thương binh trên 61%

11 tuất bệnh binh trên 61%

Và 93 người đại diện thân nhân đang trực tiếp thờ cúng liệt sĩ.

Cùng với cả nước, 74 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Phú Thứ với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, luôn nỗ lực, cố gắng chăm lo toàn diện cho người có công. Xét duyệt hồ sơ tồn đọng và xác nhận người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam; trợ cấp ưu đãi giáo dục - đào tạo; hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng chính sách; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn xã cũng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được xây dựng để tu sửa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ; tặng quà cho đối tượng người có công vào dịp 27-7, Tết cổ truyền dân tộc, thăm viếng người có công ốm đau, từ trần...

Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vũng ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong công cuộc đối mới toàn diện đất nước./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG PHÚ THỨ  - THỊ XÃ KINH MÔN

Trưởng Ban Biên tập: Trương Thị Bồn - Chủ tịch UBND phường

Địa chỉ: KDC số 07, phường Phú Thứ, TX Kinh Môn, Tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 02203.821.216

Email: ......

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0