KHÁI QUÁT VỀ ĐẤT VÀ NGƯỜI PHÚ THỨ
Thị trấn Phú Thứ ngày nay là vùng đất có từ lâu đời. Xã Phú Thứ được thành lập sau cách mạng tháng Tám năm 1945 gồm 2 thôn: Vạn Chánh và Lỗ Sơn thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Phú Thứ nằm trong vòng cung đá vôi Đông Triều, địa hình không bằng phẳng, phía Bắc và Đông Nam là những núi đá vôi nối tiếp nhau, tạo vòng cung bao quanh khu dân cư. Nhất là khu Lỗ Sơn có các núi: Thần, Voi, Cửa Thung, Cửa Cái…đây là những dãy đá vôi có chứa nhiều quặng bô xít với trữ lượng khá lớn đang được đầu tư khai thác phục vụ nguyên liệu cho các công ty, xí nghiệp để sản xuất chế biến vật liệu xây dựng phục vụ đời sống nhân dân.
Phú Thứ có diện tích tự nhiên là 881,36 ha. Phía Bắc giáp xã Tân Dân; phía Đông giáp thị trấn Minh Tân, phía Đông Nam có sông Hàn Mấu; bên kia sông là xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; phía Nam giáp xã Duy Tân; phía Tây Nam có sông Kinh Thầy, bên kia sông là xã Hiệp Sơn.
Nói đến Phú Thứ không thể không nói đến những con sông đã từng vang bóng một thời. Đó là sông Kinh Thầy vừa rộng, vừa sâu, tàu thuyền đi lại dễ dàng, cũng chính dòng sông này đã bao lần làm kẻ xâm lược kinh hoàng. Ở phía Đông Nam là sông Hàn Mấu, không chỉ là mang lại nguồn nước tưới dồi dào, mà còn cung cấp một lượng lớn phù sa mầu mỡ cho đồng ruộng Phú Thứ. Ngoài hai con sông lớn, Phú Thứ còn nhiều con ngòi để dẫn nước tưới cho đồng ruộng. Trong đó lớn nhất là ngòi Cống Sổ có hai nhánh, một nhánh chảy vào Vạn Chánh, một nhánh chảy về Lỗ Sơn.
Hệ thống sông, ngòi liên hoàn tạo thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, vào những năm có nhiều mưa bão lớn, thường gây ra úng lụt, đồng ruộng bị nước mặn xâm lấn, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng. Để khắc phục những khó khăn trên, nhân dân Phú Thứ đã thực hiện đắp đê ngăn mặn, phòng chống thiên tai.
Do đặc điểm vị trí, địa hình đã tạo cho Phú Thứ có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Ngày từ thủa xa xưa, Phú Thứ đã trở thành những căn cứ quân sự quan trọng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương đất nước. Chính trên mảnh đất bán sơn địa này, với những hang động và sông ngòi êm ả đã diễn ra bao trận đánh ác liệt, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở thế kỷ XX.
Đường 188, là đường bộ duy nhất chạy qua Phú Thứ nối với quốc lộ 18. Tuy đường không to, nhưng nó vẫn giữ một vị trí quan trọng trong vùng, nhất là về mặt quân sự. Ngày nay đường 188 đã được đầu tư nâng cấp thành Quốc lộ 17 B, mở rộng phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân trong vùng.
Vùng đất Phú Thứ đã có cách đây hàng vạn năm, con người đến sinh cơ lập nghiệp ở đây tương đối sớm. Theo văn bia và gia phả của các dòng họ để lại, cách đây khoảng 500 năm (thế kỷ XV) một số người thuộc các dòng họ Đặng, Nguyễn, Vũ, Trương, Phạm, Trần, Hoàng đã đến khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu họ sống rải rác ở khu vực núi đá, núi đất, dần dần phát triển quy tụ lại thành 3 xóm (Xóm Làng, xóm Trại và xóm Núi) với khoảng 320 hộ, 1.000 nhân khẩu, 232 xuất đinh. Đến thế kỷ XIX, 3 xóm này được gọi là làng Vạn Chánh; Vạn Chánh thuộc tổng Thượng Chiểu, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương(1).
(1)Tổng Thượng Chiểu gồm:
- Xã Duy Tân có các làng: Nhẫm Dương, Châu Xá, Kim Bào, Trại Xanh
- Xã Hoành Sơn có các làng: Cậy Sơn, Nghĩa Lộ
- Xã Tân Dân có các làng: Thượng Chiểu, Kim Trà, Thượng Trà
- TT Phú Thứ có làng Vạn Chánh
Cũng qua nghiên cứu văn bia và các gia phả tộc họ ở thôn Lỗ Sơn, thì họ Bùi là những người đầu tiên đến lập nghiệp vào thế kỷ XVI. Sau đó là các dòng họ Đinh, Phí, Phạm, Hoàng lần lượt đến sinh sống. Trải qua năm tháng xây dựng và phát triển, những dòng họ này lập lên hai cụm dân cư, gọi là xóm: Xóm trên có họ Bùi, họ Đinh; Xóm dưới có họ Phí, họ Phạm, họ Hoàng.Hai xóm đã hợp tụ thành một làng, lấy tên là làng Trung Lập, thuộc huyện Đường Hào, cuối thời Hậu Lê đổi là phủ Kinh Môn.
Còn xóm Phúc Sơn, xưa kia chỉ là bãi hoang hóa mọc đầy xú vẹt. Vào những năm đầu thế kỷ XX, Hàn Tấn người Hải Phòng đã khai phá, lập đồn điền gọi là đồn điền Đồng Điện, Hàn Tấn giao cho cụ Nguyễn Văn Áo quản lý trông coi và thuê những người Câu Tử (Pháp Cố) đến đắp đê ngăn mặn, khai phá đất đai để cày cấy. Đến năm 1926, đồn điền Đồng Điện có diện tích 105 mẫu, Hàn Tấn cho Phúc Lai, người Hà Đông quản lý.
Lúc này đồn điền mới có 9 hộ nông dân đến nhận ruộng cấy nộp tô. Về sau dân ở các nơi cũng đến cấy nộp tô, dân số ngày càng phát triển thành chòm xóm đông đúc. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, khu dân cư Đồng Điện được sát nhập vào Lỗ Sơn, gọi là xóm Phúc Sơn.
Nguồn: Lịch sử Đảng Bộ và nhân dân thị trấn Phú Thứ 1930 - 2015.